top of page

Hành trình du học ngành Phi công tại New Zealand của cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam

Đã cập nhật: 23 thg 10, 2021

Là cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam từ năm 23 tuổi, những trải nghiệm du học tại New Zealand đã trở thành hành trang quý giá cho hành trình cất cánh của cơ trưởng Nguyễn Quang Đạt.


Mình hay nói là ngành hàng không đã chọn mình

Bố mình là một phi công lái máy bay quân sự và sau đó cũng chuyển sang hoạt động trong ngành hàng không dân sự cho nên từ nhỏ mình đã được tiếp xúc nhiều với các chú các bác phi công. Từ bé, mình nhìn ngành hàng không với cả hai thái cực, một là sự hào nhoáng mà mọi người vẫn thấy của việc điều khiển những cỗ máy hiện đại đi nhiều nơi thú vị, và hai là cả những khó khăn vất vả cùng sự đánh đổi của một nhân sự làm trong ngành hàng không.


Kế hoạch ban đầu của mình sau khi tốt nghiệp cấp ba là sẽ thi và học đại học. Giống như phần lớn các bạn 18 tuổi khác, mình coi việc đỗ vào một trường đại học danh giá giống như là tấm huy chương vẻ vang của mười hai năm học. Và khi mình đạt được nguyện vọng khẳng định bản thân bằng việc đỗ vào ĐH Ngoại Thương, thì cơ hội trở thành phi công cũng đồng thời đến với mình.

Khi ấy một hãng hàng không trong nước bắt đầu tuyển sinh khoá đào tạo phi công tại New Zealand, bố bảo hay con cứ đi thử. Và may mắn là mình trúng tuyển. Từ đó mình lên đường đi New Zealand theo học khoá phi công cơ bản.




Học phi công thực ra không phải chỉ là học lái máy bay

Trong khoảng thời gian gần hai năm học phi công cơ bản, bọn mình phải học một khối lượng kiến thức nhiều kinh khủng về điều kiện khí tượng, thời tiết, hoạt động của các hệ thống máy móc thiết bị, các yếu tố liên quan đến thể chất và tâm lý con người có thể ảnh hưởng tới khả năng điều khiển máy bay, khả năng lãnh đạo và hoạt động nhóm, các bước đưa ra quyết định hiệu quả chính xác, luật hàng không quốc tế… tất cả đều bằng tiếng Anh. Và đó chỉ là lý thuyết - chiếm 10 - 20% thời lượng.


Thời gian còn lại là thực hành. Trong hai năm bọn mình phải trải qua ba kỳ thi năng định (Năng định: Chứng nhận về năng lực chuyên môn của nhân viên hàng không đáp ứng đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ theo chức danh ghi trong giấy phép nhân viên hàng không) và hàng trăm giờ bay lấy kinh nghiệm. Không có thời gian cho các kỳ nghỉ Hè hay nghỉ lễ.


New Zealand là nơi lần đầu tiên mình chạm vào cần điều khiển máy bay, lần đầu tiên bay những chuyến bay đơn ngồi một mình trên bầu trời, lần đầu tiên học kiến thức giảng dạy bằng tiếng Anh, lần đầu tiên xa nhà trong một khoảng thời gian dài…


Với rất nhiều những “lần đầu tiên” được gắn với nơi này, mình trân trọng 2 năm sinh sống và học tập ở đây vì nó cho mình một nền tảng vô cùng vững chắc cho sự nghiệp của mình sau này và vị trí hiện tại của mình nữa.


Máy bay đầu tiên mình lái là Diamond 20 - hay còn có nickname là Katana - kiếm nhật. Kiếm Nhật nhỏ xinh như một cái kẹo mút, có hai ghế, mang tiếng là máy bay nhưng nặng chỉ bằng một phần ba cái xe ô tô năm chỗ. Mình lần đầu được ngồi trên Katana năm 2010, khi vừa tròn mười tám tuổi. Trước khi được bay, mình thao thức vì phấn khích, gì thì gì cũng là một dấu mốc lớn trong đời mà. Nhưng tới khi hành sự thì... cây kiếm Nhật cất cánh lên nhẹ bẫng. Cũng vì nhẹ quá nên cái cách nó phản ứng với các lớp không khí giống như một... cánh diều chứ không phải máy bay. Mình nhớ như in cái cảm giác đang sắp rơi ra khỏi cái kẹo mút dở này đã hiện hữu trong mình suốt một tiếng đồng hồ của chuyến bay đầu tiên. Tai lùng bùng giữa tiếng nội tâm la hét, tiếng động cơ cánh quạt trước mặt, tiếng anh giáo viên người New Zealand nói mình không thể hiểu được. Máy bay đáp, mình xuống máy bay với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, anh giáo viên vỗ vai an ủi: “Cũng ok mà”. Nhưng nói thật, là mình đã không cảm thấy tự hào về bản thân một chút nào hết trong lần ấy.


Bây giờ mỗi khi mặc áo đồng phục với cầu vai bốn vạch, bước lên máy bay Airbus, mình vẫn luôn thầm cảm ơn những lần đầu khó khăn năm mười tám tuổi chưa có vạch nào, đã cùng cây kiếm Nhật nặng 500kg luyện rèn khả năng giữa bầu trời sớm tối.


New Zealand - đất nước của sự tử tế

Mình đã từng đi rất nhiều nơi trên thế giới, và phải nói một lời công tâm rằng, người dân New Zealand là một trong những con người thân thiện và mến khách nhất mình từng gặp. Với một cậu bé tuổi teen lần đầu đi du học, sự tử tế của những con người ở đây là điều mà tới giờ mình vẫn cảm thấy biết ơn vì nó đã giúp giảm đi rất nhiều những khó khăn mà mình gặp phải trong quá trình huấn luyện.


Điều tử tế thứ hai mà mình trân trọng, chính là sự huấn luyện và dạy dỗ “tử tế” từ các giáo viên ở đây. Hiện tại mình cũng là một giáo viên (giáo viên kiểm tra tại Cục Hàng không Việt Nam) nên mình hiểu một người cần rất nhiều điều để có thể trở thành một người thầy giỏi. Và sự phấn đấu để làm công việc ấy một cách tử tế là một trong những điều quan trọng bậc nhất.

Vì hai điều tử tế ấy, mình đã và vẫn luôn cảm thấy may mắn vì được huấn luyện ở New Zealand.


Nguyễn Quang Đạt


Nguồn: Báo Hoa học trò

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page