Tại sao nhiều người tốt nghiệp trường đại học ở nước ngoài/đi du học về vẫn không thể tìm được việc làm ?
Ngày nay, trong bối cảnh xã hội, kinh tế - chính trị liên tục biến động và thị trường lao động thay đổi nhanh chóng tấm bằng đại học không còn là tấm giấy thông hành giúp sinh viên ra trường đảm bảo có việc làm nữa.
Theo một nghiên cứu đã khảo sát 60.000 sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Trên 72% người nói họ sẽ cẩn thận hơn khi chọn chuyên ngành đại học của mình vì đây chính là yếu tố giúp họ định hướng tương lai. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối, vì vào thời điểm lựa chọn ngành học tại đại học, họ lại hoàn toàn không ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc lập kế hoạch nghề nghiệp hay nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng của thị trường việc làm tại nơi mình sinh ra hoặc quốc gia mà mình dự định du học. Ví dụ bạn muốn đi du học tại Úc thì bạn phải tìm hiểu lĩnh vực nào mà có nhu cầu nhân lực cao tại Úc, chứ không chỉ chọn bất kỳ cái gì học.
Quyết định chọn chuyên ngành đại học là một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời. Đứng trước quyết định khó khăn này, các em học sinh trung học khó có đủ sự trải nghiệm để trưởng thành và biết mình điều mình thực sự muốn. Đây chính là lý do phụ huynh cần tham gia tư vấn, khuyến khích và cung cấp thông tin hỗ trợ con cái vì phụ huynh mới có đủ khả năng tìm hiểu tình hình thực tế và nhu cầu hiện tại của thị trường việc làm.
Xác định lĩnh vực học tập phù hợp với cá nhân
Hệ thống giáo dục và đào tạo có nhiều lĩnh vực/chuyên ngành khác nhau. Học sinh có quyền chọn lựa nhưng phải cân nhắc và chọn lựa cẩn thận. Bạn phải đặt mục đích học đại học thông qua câu hỏi “Điều tôi muốn học là gì?” cũng như lên “kế hoạch nghề nghiệp tương lai” cho riêng mình nhằm xác định phương hướng & có động lực để phấn đấu. Ngoài ra bạn cũng cần tìm hiểu và nắm bắt cách thức để hoàn thành và đạt mục tiêu của bạn.
Trường hợp lĩnh vực/chuyên ngành mà bạn chọn không giúp bạn đạt mục đích nghề nghiệp, hãy tự hỏi “Mình có nên chọn lĩnh vực/chuyên ngành này không hay nên chọn lĩnh vực/chuyên ngành khác tốt và thực tế hơn?”
Hãy tìm hiểu chất lượng của các trường đại học vì thực tế chúng không giống nhau
Một số sinh viên và phụ huynh nghĩ rằng các trường đại học đều cung cấp bằng cấp và chất lượng đào tạo tương tự nhau. Tuy nhiên điều này không chính xác. Bên cạnh các trường đại học nổi tiếng với chương trình đào tạo và giảng viên chất lượng cao, còn tồn tại những trường đại học trung bình với chương trình đào tạo nghèo nàn và giảng viên kém cỏi.
Hiện nay, phụ huynh và sinh viên có thể dựa vào danh tiếng và xếp hạng đại học từ các nguồn như QS World University Rankings, Time Higher Education, U.S News & World Report (chuyên về các trường ở Mỹ) hay Academic Ranking of World Universities (ARWU).
Tiêu chí then chốt khi chọn trường là chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên và số người tốt nghiệp tìm được việc làm liên quan tới lĩnh vực học tập của họ.
Hãy chuẩn bị tinh thần để bước vào đại học
Rất nhiều sinh viên hay hoài nghi về lựa chọn ngành học của mình. Học không chắc bản thân có thực sự đam mê ngành nghề mà họ đang theo học không hay họ có thể vượt qua mọi chướng ngại vật để hoàn thành chương trình đào tạo hay không?
Thật ra phần lớn chướng ngại đều ở trong tâm trí sinh viên. Ví dụ nếu họ nghĩ lập trình là khó thì họ sẽ không học môn lập trình, hoặc nếu họ nghĩ toán là khó thì họ sẽ né tránh không học toán. Tuy nhiên có sự thật kỳ lạ là chỉ cần sinh viên dám đối diện với nỗi sợ hãi của mình, sẵn lòng nỗ lực để cải thiện tình hình, phần lớn đều đạt được thành công.
Hãy lựa chọn lĩnh vực/chuyên ngành mà bạn thích.
Học thứ mà bạn muốn nhưng … hãy đảm bảo rằng bạn có thể kiếm sống bằng nghề đó.
Vấn đề là nhiều sinh viên lựa chọn chuyên ngành dựa trên nhiều yếu tố, ví dụ chọn ngành mà phụ huynh mong muốn, chọn ngành mà bạn bè mình học v.v nhưng phần lớn không chú ý tới tình hình thực tế và nhu cầu của thị trường việc làm. Họ không biết lĩnh vực nào hiện đang có nhu cầu nhân lực cao, cũng như khu vực nào đang tăng trưởng với nhiều tiềm năng phát triển.
Hãy hỏi bản thân “Liệu lương bổng nhận được trong ngành/nghề này có đủ để chu cấp cho cuộc sống tương lai của bạn không”
Đừng quên rằng bạn không nên để bạn bè ảnh hưởng tới quyết định riêng của bạn. Lựa chọn của bạn là tương lai của bạn, là cuộc sống của bạn, không phải của họ.
Và cũng đừng đẩy hết mọi trách nhiệm liên quan đến việc chọn lựa tương lai của bản thân bạn lên vai bố mẹ. Có nhiều người khi thất bại cho rằng bố mẹ phải chịu trách nhiệm cho tương lai của họ. Những sinh viên này khi ra trường trở nên ỷ lại và bị động đến mức không có khả năng để tự lo liệu và xử lý vấn đề cá nhân, không có kỹ năng tối thiểu để thích ứng với công việc để rồi bị đào thải, trở thành người thất nghiệp, không có ý chí, không có tương lai.
Đừng lẫn lộn giữa sở thích và nghề nghiệp
Nhiều sinh viên có xu hướng chọn lĩnh vực/chuyên ngành dựa trên sở thích cá nhân hoặc thành tích học tập trong quá khứ. Nhưng ít người lại đặt ra câu hỏi “Có bao nhiêu việc là được mở ra cho những người tốt nghiệp đại học lĩnh vực/chuyên ngành này?”
Sở thích là thứ mà bạn có thể tận hưởng nhưng sở thích không phải lúc nào cũng có thể trở thành nghề nghiệp, mang lại lợi ích và thu nhập, giúp bạn kiếm sống. Hãy phân biệt được việc “làm vì yêu thích” và “làm để kiếm sống”.
Danh sách câu hỏi giúp sinh viên lựa chọn chuyên ngành
Những người tốt nghiệp lĩnh vực/chuyên ngành này có thể làm những gì ?
Những sinh viên đã tốt nghiệp lĩnh vực/chuyên ngành này hiện tại đang làm việc ở đâu ?
Mức lương tối thiểu mà một sinh viên mới ra trường nhận được là bao nhiêu ?
Cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp của lĩnh vực/chuyên ngành này như thế nào ?
Phần lớn sinh viên tốt nghiệp từ lĩnh vực/chuyên ngành này hiện có làm đúng ngành đúng nghề họ đã học hay không ?
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp từ trường nào?
Một số thông tin về thị trường việc làm hiện nay
Theo những báo cáo về việc làm gần đây, các lĩnh vực như kinh doanh, tài chính, bán hàng và marketing vẫn còn phát triển nhưng không tăng trưởng nhanh như vài năm trước. Do cung “từ các trường đại học” quá nhiều so với “thực tế của thị trường” khiến mức độ cạnh tranh ngày càng dữ dội đồng thời mức lương không tăng nhiều.
Mức lương cao nhất và việc làm tốt nhất hiện nay thuộc về các lĩnh vực thuộc STEM (Science, Technology, Engineering & Mathematics)
Khoa học: Y, Dược, Chăm sóc sức khỏe
Công nghệ thông tin: Khoa học máy tính, Công nghệ phần mềm & Quản trị thông tin
Công nghệ sinh học, công nghệ nano
Kỹ thuật: Điện, Điện tử, Hóa học, Vật liệu
Toán học: Kế toán, Thống kê, Toán học ứng dụng
Giáo dục hiện đại yêu cầu sinh viên phải lập kế hoạch nghề nghiệp tương lai TRƯỚC khi vào đại học. Họ cần nghiên cứu thị trường việc làm, xác định những nghề phù hợp và có tiềm năng phát triển sự nghiệp nhất. Họ cần khảo sát và tìm hiểu những công việc nào có nhu cầu tuyển dụng tại địa phương nơi họ sinh ra và phổ dụng toàn cầu. Bằng đại học không đảm bảo cho thành công vì cái bạn thật sự cần là tri thức, kỹ năng, động cơ và quyết tâm, nhiệt tình và đam mê với công việc.
Hãy nhớ việc chọn ngành và trường đại học khi du học là rất quan trọng, không nên tùy tiện quyết định rồi phải trả giá bằng nhiều phí tổn, thời gian và cả cảm xúc tiêu cực trong suốt những năm miệt mài học tập nơi xứ người.
Tổng hợp: Lời khuyên sinh viên VN - Destination: Bước ra thế giới
コメント