top of page

Cùng 2 giảng viên Việt từ New Zealand “giải ngố” về ngành Công nghệ thông tin

Đã cập nhật: 19 thg 12, 2021

Cùng với kỉ nguyên 4.0, CNTT liên tục được hàng loạt tổ chức danh tiếng "ưu ái" xếp hạng top ngành nghề hàng đầu trước và sau đại dịch Covid-19. Điều này biến CNTT thành một từ khoá cực phổ biến. Nhưng, liệu "anh bạn thân" Google đã giúp bạn giải đáp chính xác hay bạn vẫn đang ở trong mê cung những lầm tưởng.


Cùng gặp gỡ anh Nguyễn Hoàng Minh và anh Phạm Đăng Ninh, hai giảng viên người Việt phụ trách khoa CNTT của 2 trường đại học danh tiếng ở New Zealand để có cái nhìn thấu đáo về ngành học này nhé.


Mới đây, Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI) xếp Công nghệ thông tin (CNTT) vào nhóm ngành có xu hướng tuyển dụng tăng cao trên thế giới sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với sức hút khó cưỡng này, số lượng các lầm tưởng cũng tăng lên khiến những ai muốn "thử sức" dễ có sự hiểu biết không chính xác.



Lầm tưởng 1: Học CNTT là học lập trình

Nếu đây đang là suy nghĩ của bạn thì đừng lo, "you are not alone". Vì đa số các bạn học sinh đều bị "dính chưởng" lầm tưởng này.


Anh Minh cho biết:

"Trên thực tế, trong những năm gần đây, CNTT liên tục chuyển mình với hàng loạt lĩnh vực mới, tác động sâu rộng đến đời sống con người như Machine Learning (ML), Edge Computing, Quantum Computing, VR/AR, Blockchain, IoT, 5G, Cyber Security… Vì vậy, dựa trên nhu cầu tuyển dụng, ngành học này không gói gọn trong hai chữ 'lập trình' mà đã phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều chuyên ngành khác nhau với những thế mạnh và yêu cầu khác nhau".

Như vậy, thế giới CNTT là vô cùng rộng lớn hơn những gì chúng ta biết. Do đó, để đón đầu xu hướng và hoạch định tốt cho tương lai, việc bạn cần làm là hãy tìm hiểu kĩ và chuẩn bị các lộ trình học tập tương ứng với chuyên môn muốn theo đuổi.


Các trường đại học, đặc biệt là những trường chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho tương lai, những năm gần đây cũng liên tục đẩy mạnh đầu tư thêm hay mở ra những ngành học mới phù hợp với nhu cầu của thời đại. Lấy ví dụ như Chương trình Cử nhân Khoa học Máy tính và Thông tin (BCIS) của Đại học Công nghệ Auckland (AUT) hiện đang đào tạo nhiều chuyên ngành đặc thù như Dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services), An ninh mạng (Networks and Cybersecurity), Phát triển phần mềm (Software Development), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) và Khoa học dữ liệu (Data Science).



Lầm tưởng 2: Muốn thành chuyên viên CNTT giỏi chỉ cần giỏi kiến thức chuyên môn

Đây là suy nghĩ vừa đúng vừa không đúng. Điểm đúng ở đây là như các ngành học khác, việc nắm vững nền tảng của CNTT như ngôn ngữ lập trình cơ bản, toán học là đòi hỏi tiên quyết. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ. Để trở thành chuyên viên của bất cứ lĩnh vực nào về CNTT, bạn còn cần phải có kiến thức các lĩnh vực chuyên môn khác, kỹ năng mềm cùng tinh thần học tập suốt đời để theo kịp sự thay đổi chóng mặt của CNTT.


Đơn cử với ngành Khoa học dữ liệu, anh Ninh cho biết: "Khoa học dữ liệu là một liên ngành phát triển liên tục với kiến thức đến từ nhiều nguyên lý thuộc các lĩnh vực khác nhau. Nên ngoài các kiến thức nền tảng về Toán thống kê (Statistics) và Khoa học máy tính (Computer Science), các bạn phải có thêm kiến thức về 1 lĩnh vực nhất định như y học, giáo dục, truyền thông, tài chính… vì mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có cách xử lý, phân tích, và sử dụng kết quả phân tích khác nhau".


Đáp ứng nhu cầu thực tiễn ấy, các trường ĐH ở New Zealand như trường ĐH Auckland nơi anh đang giảng dạy, người học có thể theo lộ trình chuẩn Cử nhân ngành Khoa học dữ liệu trong 3 năm; hoặc có thể theo bậc Thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu trong 4 năm bao gồm 3 năm đầu theo lộ trình Cử nhân và 1 năm cuối cho chương trình Thạc sĩ.


Lầm tưởng 3: Kiến thức trên trường là đủ

Với sức hút và sự thiếu hụt nhân lực ngành CNTT, nhiều sinh viên cho rằng chỉ cần có tấm bằng là đủ điều kiện để có công việc tốt, vì thế chỉ chú trọng vào kiến thức trên trường mà thiếu cọ xát thực tế. Vì vậy, theo khảo sát của thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021 Developers Recruitment State, chỉ 30% sinh viên công nghệ thông tin ra trường đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Để giúp mình tiến nhanh và ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng, việc cân bằng giữa kiến thức lý thuyết và thực hành là rất cần thiết.


Từ kinh nghiệm cá nhân, anh Minh, Giám đốc Chương trình Cử nhân Khoa học Máy tính và Thông tin (BCIS), phó giám đốc trung tâm nghiên cứu về Robotics & Vision tại Đại học Công nghệ Auckland (AUT) cho biết: "Trong quá trình giảng dạy, anh luôn hướng sinh viên đến giải quyết những vấn đề thực tiễn, để tạo cơ hội cho sinh viên được thực tập ở môi trường công ty.


Hiện nay, đối với chương trình Cử nhân Khoa học Máy tính và Thông tin (BCIS) của trường ĐH Công nghệ Auckland, trường có đội ngũ chuyên về Hợp tác - Dự án Doanh nghiệp, họ sẽ đến các công ty CNTT trong nước và khuyến khích doanh nghiệp cung cấp các dự án R&D (trong vòng một năm) cho sinh viên năm cuối của trường.


Do đó, tất cả sinh viên năm ba đều sẽ được thực tập tại các dự án thực tế trong vòng một năm. Nhờ vậy, hơn 94% sinh viên từ chương trình đều có việc làm trả lương trong 6 tháng sau khi tốt nghiệp".


Lầm tưởng 4: Tốt nghiệp bằng giỏi auto có việc làm tốt

Cả anh Minh và anh Ninh đều có chung nhận định:

"Việc tốt không chỉ đến từ bằng giỏi mà còn cần sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các bạn sinh viên".

Anh Ninh, giảng viên Trường Khoa học Máy tính thuộc Đại học Auckland (School of Computer Science, University of Auckland) đưa ra lời khuyên thiết thực: "Việc tìm kiếm cơ hội cho phép sinh viên tiếp cận đến nhiều công ty và nhiều công việc phù hợp với định hướng theo đuổi. Chính vì vậy, hãy mở rộng network (mạng lưới quan hệ) của bạn không chỉ ở cộng đồng Việt Nam mà còn trên phạm vi quốc tế, tận dụng tốt các cơ hội được cung cấp thông qua mối quan hệ đối tác của Khoa/Trường. Việc tham gia các hoạt động liên quan đến chuyên ngành của bạn như Job fair (hội chợ việc làm), các toạ đàm nghề nghiệp cũng rất hữu ích.

"Đôi khi, một lời giới thiệu từ người có uy tín trong ngành có giá trị hơn rất nhiều so với 1 CV liệt kê đầy thành tích của sinh viên mới ra trường".

Minh chứng cho giá trị của "một lời giới thiệu uy tín" có thể kể đến trường hợp của anh Phạm Hồng Phúc, một nghiên cứu sinh trong lĩnh vực CNTT, được anh Minh giới thiệu vào làm việc tại 1 dự án về cách đo chính xác táo bên trong thùng trên các cánh đồng nông trại bằng điện thoại thông minh của Hectre Ltd - một công ty phát triển các ứng dụng công nghệ cho ngành trồng cây ăn quả. Hectre đã đưa Phúc đến nhiều vườn cây ăn trái để thu thập dữ liệu và thiết kế nguyên mẫu. Kết quả, một sản phẩm ấn tượng đã được xây dựng, thử nghiệm và chạy trơn tru.


Dự án đã góp phần vào thành công của công ty khi Hectre đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Công nghệ của New Zealand năm 2021, cho "Giải pháp Công nghệ nông nghiệp cao sáng tạo nhất" và "Công ty khởi nghiệp công nghệ của năm". Phúc hiện cũng là Senior Machine Learning Engineer của Hectre.


Hy vọng những chia sẻ của hai anh sẽ giúp bạn "giải ngố" về lĩnh vực CNTT cũng như thêm nhiều lời khuyên hữu ích để chinh phục con đường sự nghiệp của ngành nghề siêu hot này.


Trong ba năm liên tiếp 2017-2019, New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai (Educating for the Future Index) trên bảng xếp hạng của The Economist Intelligence Unit. Giáo dục ở xứ sở Kiwi tập trung phát triển kỹ năng và kiến thức để người học có thể đón đầu và thích ứng với các thay đổi trong môi trường lao động ở tương lai.



60 lượt xem0 bình luận
bottom of page